EA (Expert Advisor) hay Robot Forex là một chương trình hỗ trợ trader giao dịch forex một cách tự động thông qua phần mềm Ctrader, MT4 hoặc MT5. Không chỉ mang lại lợi nhuận hấp dẫn, mà còn giúp trader không cần phải ngồi hàng giờ trước màn hình máy tính để xem xét hay vào lệnh, nên EA (Expert Advisor) đã được rất nhiều trader yêu thích và sử dụng. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người hoài nghi xoay quanh tính hiệu quả của công cụ này. Vậy EA có thật sự là 1 công cụ hỗ trợ giao dịch hiệu quả hay không, cách thức hoạt động của EA như thế nào, các ưu và nhược điểm của EA ra làm sao… Nếu đây cũng là những vấn đề bạn thắc mắc thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của chúng tôi, bạn nhé.
EA là gì?
EA (Expert Advisor) hay robot forex là một chương trình chạy trên các nền tảng giao dịch Automate của Ctrader, hoặc MetaQuote (MT4 và MT5), được sử dụng để tìm kiếm các tín hiệu, giám sát hoặc tự động thực hiện các giao dịch bằng những thuật toán được lập trình sẵn bởi trader.
EA sẽ tìm kiếm cơ hội giao dịch theo thông số trader cài đặt sẵn, sau đó thông báo cho trader để đưa ra quyết định có nên giao dịch hay không hoặc EA sẽ tự thực hiện giao dịch đó mà không cần phải thông báo, tùy thuộc vào việc chiến lược giao dịch của mỗi người.
Nếu trước đây, trader sẽ phải ngồi trước máy tính hàng giờ liền để phân tích, phát hiện ra các tín hiệu giao dịch, sau đó mới bắt đầu vào lệnh, chốt lời, cắt lỗ hay đóng lệnh, thì ngày nay nhờ sự phát triển của công nghệ, EA đã có thể tự động hóa tất cả những công việc kể trên, tối ưu hóa giao dịch, nhằm thu tạo ra hiệu quả cao nhất cho nhà đầu tư.
EA được sử dụng không chỉ riêng với các cặp tỷ giá mà với tất cả các sản phẩm được cung cấp bởi sàn forex bạn giao dịch chẳng hạn như vàng, chỉ số, cổ phiếu, dầu thô hay tiền điện tử…

Robot Forex hay EA hoạt động như thế nào?
EA được viết bằng ngôn ngữ lập trình phổ biến C# trên Ctrader, hoặc ngôn ngữ lập trình độc quyền có tên gọi MetaQuotes Language, version 4 hoặc 5 (MQL4, MQL5), trader sử dụng ngôn ngữ này để tạo ra các thuật toán theo những chiến lược giao dịch của mình.
Thuật toán ở đây chính là những câu lệnh thể hiện được các điều kiện giao dịch, các quy tắc để kích hoạt quyết định giao dịch của chiến lược, nếu các điều kiện và quy tắc giao dịch được thỏa mãn, EA sẽ báo cáo cho trader hoặc nó sẽ tự động thực hiện giao dịch mà không cần đến bất kỳ sự can thiệp nào.
Các chiến lược được thiết lập trên EA có thể là các chiến lược mà trader đã từng giao dịch thành công dựa trên các chỉ báo kỹ thuật, các mô hình nến, các công cụ hỗ trợ giao dịch như trendline, hỗ trợ/kháng cự, Fibonacci…hay bất cứ một công cụ, phương tiện giao dịch nào. Trader chỉ cần thiết lập vào EA thông qua thuật toán, còn lại, việc nhận diện, phân tích và kể cả tự động giao dịch sẽ được robot này thực hiện.
Khi bắt đầu kích hoạt EA, Robot Forex sẽ tiến hành quét và phân tích thị trường trên biểu đồ giá để xác định cơ hội mua hoặc bán dựa vào các chiến lược được lập trình trước đó. Một khi giao dịch được mở, các lệnh khác như cắt lỗ, chốt lời cũng sẽ đồng thời được kích hoạt. Nếu muốn điều chỉnh các thông số, trader chỉ cần thay đổi cài đặt là được.
Các loại EA hay Robot Forex sử dụng phổ biến nhất hiện nay
EA có thể chia thành 2 loại chính gồm: EA tự động và EA bán tự động.
EA tự động sẽ thực hiện lệnh ngay khi những điều kiện và quy tắc giao dịch được thỏa mãn mà không cần phải thông báo cho trader.
EA bán tự động sẽ chỉ làm nhiệm vụ phát hiện tín hiệu và tính toán các tham số (điểm vào lệnh, cắt lỗ, chốt lời…) cho giao dịch, dựa trên chiến lược đã cài đặt rồi báo cáo cho trader, còn việc có thực hiện theo hay không là quyết định của trader.
Ví dụ về việc thực hiện lệnh giao dịch của EA
VD1: Một trader thiết lập một EA với điều kiện sau: vào lệnh Buy với khối lượng 0.5 lots ngay khi đường trung bình di động MA 20 cắt đường MA 50 từ dưới lên của cặp EUR/USD, trên khung thời gian H1. Take profit và stop loss lần lượt tại các vị trí cách điểm vào lệnh 1000 pips và 250 pips.
Khi bắt đầu kích hoạt, EA sẽ tự động được thêm vào biểu đồ giá của EUR/USD trên khung H1, tại bất kể thời điểm nào mà đường trung bình động MA20 cắt MA50 từ dưới lên, lệnh Buy 0.5 lots sẽ được mở ngay lập tức, kèm theo đó là những lệnh cắt lỗ, chốt lời với điều kiện tương ứng đã được cài đặt. Giả sử điểm vào lệnh là 1.12500 thì stop loss là 1.10000 và take profit là 1.22500.
VD2: Giả sử 1 trader khác thiết lập EA dựa trên chiến lược giao dịch mô hình nến với các điều kiện như sau: khi nhìn thấy mô hình nến đảo chiều Bearish Engulfing xuất hiện trên khung H1 của cặp USD/JPY thì lập tức tính toán các tham số bao gồm điểm vào lệnh (giá đóng cửa cây nến giảm trong mô hình Bearish Engulfing), điểm cắt lỗ, chốt lời rồi thông báo cho trader.
Tương tự, khi được kích hoạt, EA sẽ lập tức có mặt trên biểu đồ giá H1 của USD/JPY. EA sẽ tiến hành quét biểu đồ giá này đến khi EA phát hiện ra mô hình Bearish Engulfing, sẽ tính toán các tham số theo yêu cầu và thông báo cho trader. Tất nhiên việc tính toán của EA phải diễn ra 1 cách vô cùng nhanh chóng, để khi nhìn thấy kết quả phân tích, trader sẽ quyết định thực hiện lệnh hoặc không.
Những ví dụ trên chỉ là các chiến lược giao dịch vô cùng đơn giản, trên thực tế EA còn được lập trình theo những điều kiện giao dịch phức tạp hơn rất nhiều, mà đôi khi EA còn đưa ra các quyết định nhanh chóng và chính xác hơn trader, khi rơi vào các tình huống đó. Hoặc cho dù trader hoàn toàn có thể phân tích, đưa ra được nhận định đi chăng nữa cũng sẽ mất rất nhiều thời gian, và công sức.